Về khái niệm “thế giới đời sống” trong hiện tượng học Étman Huxéc

“Thế giới đời sống” là khám phá sau cùng của Étman Huxéc nhằm tránh hiểm hoạ rơi vào chủ nghĩa duy ngã, khi xây dựng phương pháp giản lược và lý thuyết “kiến tạo” của ý thức về tính ý hướng. Nó là một chặng đường trong hành trình dài mà hiện tượng học của ông đã đi qua, từ chủ nghĩa tâm lý đến hiện tượng học, từ hiện tượng học mô tả đến hiện tượng học siêu nghiệm, rồi đến “thế giới đời sống”. Xoay quanh khái niệm này, với cách mô tả độc đáo về “tính liên chủ thể”, “cộng đồng nhân vị”…, Huxéc đã làm cho hiện tượng học mang một diện mạo mới mà nhờ đó, nó có thể đi sâu vào thực tiễn đời sống.

Hiện tượng học của Étman Huxéc (Edmund Husserl), sau khi ra đời, đã đem đến một sự phát triển mới cho triết học phương Tây hiện đại. Hành trình mà hiện tượng học đã đi qua để có được vị trí trân trọng đó là từ chủ nghĩa tâm lý đến hiện tượng học, từ hiện tượng học mô tả đến hiện tượng học siêu nghiệm, rồi từ chủ thể siêu nghiệm đến “thế giới đời sống”, kết thúc dang dở những tâm niệm của người sáng lập ra nó. “Thế giới đời sống” là một khám phá của Huxéc trong gần hai thập kỷ, từ những năm 20 của thế kỷ XX cho đến cuối đời. “Thế giới đời sống” giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thiện hiện tượng học. Với quan niệm về “thế giới đời sống”, Huxéc không chỉ mở thêm con đường tiến tới việc nghiên cứu vấn đề khoa học, triết học và mối quan hệ của chúng với đời sống, mà còn tạo nên diện mạo mới cho hiện tượng học. Có nó, những tư tưởng của hiện tượng học mới có thể cắm rễ sâu vào thực tiễn. https://www.facebook.com/lachuoixuatkhau

Lần theo quá trình xây dựng và phát triển hiện tượng học của Huxéc, chúng ta thấy, khái niệm “thế giới đời sống” có cơ sở lịch sử và hiện thực của nó. Đó là sự khủng hoảng của nền khoa học châu Âu khi bước vào thế kỷ XX. Nếu dừng lại ở những tác phẩm lớn được truyền bá rộng rãi, như Những nghiên cứu lôgícNhững ý tưởng hiện tượng học thuần tuý và triết học hiện tượng họcLôgíc hình thức và lôgíc siêu nghiệm… thì có thể nghĩ tới hiện tượng học của Huxéc chỉ hạn hẹp trong việc triển khai tính ý hướng, sự tương hỗ giữa sở tri và năng tri, với ngã tiên nghiệm thuần lý trong một cơ cấu ý hướng. Đặc biệt là quan niệm về sự “kiến tạo” (cấu thành) đã khiến người ta càng có thêm lý do để gán cho Huxéc một khuynh hướng chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm – duy ngã. Sự thực thì trong duy tâm tiên nghiệm của ông đã bao hàm kinh nghiệm sống thực (nghiệm sinh). Do vậy, tiếp tục đi đến hiện tượng học, nói như Méclô Pônti, phải triển khai những gì “còn chưa được tư duy” trong phương pháp giản lược và quá trình “kiến tạo”.

Thuật ngữ “thế giới đời sống”, tiếng Đức gọi là Lebenswelt, được các học giả nước ta chuyển dịch sang tiếng Việt bằng nhiều tên gọi khác nhau: thế giới đời sống, thế giới cuộc sống, thế giới sống thực… Việc tạo lập khái niệm “thế giới đời sống” là nỗ lực của Huxéc gắn với nghiên cứu sự khủng hoảng châu Âu giai đoạn chuyển tiếp từ cận đại sang hiện đại. Vấn đề khủng hoảng đã được Huxéc nghiên cứu khá sớm và thể hiện trong một tư liệu chép tay vào năm 1922 – 1923 và khái niệm Lebenswelt – “thế giới đời sống” cũng theo đó, đã xuất hiện vào những năm 1924 – 1926. Nó được xem là khái niệm trung tâm của triết học về sự khủng hoảng. https://www.facebook.com/lachuoixuatkhau

Thoạt đầu, “thế giới đời sống” được Huxéc quan niệm là một thế giới trực quan phi lịch sử(1). Thành tố tạo nên khái niệm này là đời sống được hiểu không phải với nghĩa cuộc sống tự nhiên, mà là đời sống sinh hoạt. Đến giữa những năm 20 của thế kỷ XX, nội hàm và ý nghĩa của “thế giới đời sống” đã có sự thay đổi. Trong bài giảng về Tâm lý học hiện tượng học (1925), ông giải thích rằng, thế giới trực quan là thế giới hiện thực, gồm thế giới kinh nghiệm và thế giới mà chúng ta đang sống. Khái niệm này phải đến những năm 1934 – 1937 mới được hoàn thiện.

Khi nghiên cứu “thế giới đời sống”, Huxéc không phải vì mục đích đưa ra một sự mô tả, mà là để chỉ ra nguồn gốc siêu nghiệm của nó trong đời sống của con người. Theo ông, đây là thế giới bao gồm mọi kinh nghiệm mà con người tham dự vào một cách đặc trưng theo sự hiện hữu của nó – cảm giác, tri giác, phán đoán, mô tả hay tổng hợp các khía cạnh khác nhau của cuộc sống hàng ngày. “Thế giới đời sống” còn được ông quan niệm như là thế giới cộng đồng và gọi là “thế giới khách quan”, vì thế giới này là thế giới cho nhiều người, chứ không phải của riêng tôi. Thế giới ấy được Trần Đức Thảo mô tả: “Nói một cách chung hơn, “thế giới đời sống” chỉ có thể là thế giới thực tại này, thế giới mà trong đó, chúng ta đang sống”(2). Coi đó là một thế giới đồng tính cho mọi người, trong đó mọi người trao đổi quan niệm của mình với người khác, Huxéc viết: Thế giới này là “thế giới khách quan” với tư cách nó cũng là một thế giới mà những người khác cũng có thể nhận thức được thực sự bằng kinh nghiệm. Những thực tại và ảo tưởng chỉ có thể tồn tại và có căn cứ tồn tại trong sự tham gia với những người khác… Và, đến lượt mình, những người này lại là những dữ kiện cho tôi kinh nghiệm thực sự hay có thể kinh nghiệm được(3). Ông còn giảng giải thêm: đó là “thế giới của mọi người chúng ta”. Theo ý nghĩa này, thế giới chỉ là một, là nơi mà mọi người đều đi vào được một cách nguyên tắc nhờ kinh nghiệm và khi “trao đổi” kinh nghiệm với nhau, mọi người đều đồng ý cả(4)https://www.facebook.com/lachuoixuatkhau

“Thế giới đời sống” là sự tương liên giữa các cá nhân tồn tại trong thế giới. Từ “thế giới” ở đây không hàm nghĩa chỉ vũ trụ, mà bao hàm mọi thế giới của nghề nghiệp và cả những thế giới lạ thường. Do vậy, thế giới vật lý, chẳng hạn, mà chúng ta nhận thức được là thế giới theo sự mô tả của nhà khoa học, thực ra chỉ là một phần nào đó của thế giới đời sống. Hãy còn biết bao thế giới khác nữa: thế giới văn hóa, thế giới thẩm mỹ, thế giới tâm lý… Huxéc cho rằng, những thế giới này là những dạng được cho trước. Chính vì vậy, một vấn đề lớn của nhân bản và hiện tượng học mà hữu thể người đặt ra là: cái này là cái gì và nó từ đâu tới, thế giới trong tất cả những hình thức và cấu trúc của nó luôn được đem đến trước, nó luôn vây quanh chúng ta và chúng ta tồn tại với tư cách hữu thể trong thế giới này. Theo Huxéc, thế giới bao gồm lĩnh vực phổ biến của tự nhiên và tinh thần, cho nên thế giới không chỉ gồm thực tại, mà còn gồm mọi hình thức phi thực tại, như trạng thái, quyền lực, văn hoá, tôn giáo, v.v.. Con người đang theo đuổi trong thế giới này các lợi ích khác nhau, như khoa học, mỹ học, kinh tế, quân sự, chính trị…, nghĩa là, nhìn thấy thế giới này dưới nhiều chiều cạnh khác nhau. Thế giới là thế giới quanh tôi, có liên hệ với mọi biến động. Tất cả khái niệm về thế giới là những khái niệm có thể trọn vẹn hoặc có hạn. “Thế giới đời sống” như là thế giới có sự tương liên giữa cái khách quan và cái chủ quan. Nó có đặc tính là luôn ban tặng, luôn hướng tới, nên là thế giới của kinh nghiệm, thế giới của đánh giá, một tiền tri thức. Nó còn là thế giới thuộc không gian và thời gian của sự vật. Tất cả tồn tại trong “thế giới đời sống”. https://www.facebook.com/lachuoixuatkhau

Như vậy, theo Huxéc, “thế giới đời sống” là thế giới thực tại của con người sống, hoạt động, liên hệ với nhau thành cộng đồng xã hội và được con người nhận thức theo những quan hệ nhất định.

“Thế giới đời sống” đem đến những ý nghĩa quan trọng: “thế giới đời sống” là thế giới của đời sống chúng ta; đời sống tự nhiên của chúng ta luôn trong thế giới. “Thế giới đời sống” là căn cứ của mọi kinh nghiệm, mọi hành vi của cảm giác và nhận thức, mọi hành động thụ động, tự phát và thuần túy chủ động của chúng ta. Thường ngày, tôi nhìn thấy ở thế giới một đời sống hồn nhiên. “Thế giới đời sống” này là thế giới cho tôi. Trong sự suy tư trần tục và hiện tượng học, tồn tại người biểu lộ như là tồn tại trong thế giới. Con người đến với thế giới và trong thế giới này. Mọi cảm giác, suy tư và hành động được hiện thực hoá trong thế giới này. Từ khi phát hiện ra “thế giới đời sống”, Huxéc thường nhắc: thế giới đó là luôn có đối với chúng ta. Cái tôi giờ đây chuyển thành chúng ta, thế giới thành thế giới của chúng ta. Sự chuyển biến này là thể nghiệm sau cùng của ông vào những năm cuối đời. https://www.facebook.com/lachuoixuatkhau

Việc đưa ra khái niệm “thế giới đời sống” đã góp phần đặt cơ sở lịch sử-xã hội cho quá trình nhận thức. Bất kể sự vật nào khi ta tri giác được, dù như thế nào, cũng là một sự vật trong thế giới. Thế giới bao giờ cũng được cho trước(5). Do tính chất này, “thế giới đời sống” trở thành ngọn nguồn của hết thảy tri thức và cũng là cơ sở của khoa học, triết học, chính trị và lao động của con người. Thế giới này luôn được cho trước, như không gian, thời gian, phạm vi của hành động, của tư duy, cảm giác và của ý chí con người. Với khám phá về “thế giới đời sống”, Huxéc muốn đưa thế giới theo quan niệm khoa học trở về với đời sống thực tiễn, khi coi quan niệm của khoa học và triết học là sản phẩm hoạt động thực tiễn của con người trong “thế giới đời sống”. “Thế giới đời sống” là nguồn cho mọi khoa học rút ra từ đó các trừu tượng khoa học. Trên cơ sở đó, Huxéc nhằm giải phóng các nhà triết học ra khỏi ảnh hưởng của triết học duy khoa học – thứ triết học tuyệt đối hoá vai trò của khoa học trong hệ thống văn hoá, triết học, coi khoa học tự nhiên là hình mẫu chi phối các ngành khác, kể cả triết học.

Với hiện tượng học về thế giới, chúng ta có thể chấp nhận hai quan điểm khác nhau: quan điểm Tôi tư duy (noétique) và quan điểm cái Tôi tư duy (noématique), nhắm tới thế giới như là hiện tượng, như là phạm vi của tất cả hành vi ý hướng. Nếu đề cao quan điểm Tôi tư duy, thì cần phải nhìn thấy những thế giới của khoa học và những sự kiện ý hướng. Trả lời câu hỏi “do đâu mà thế giới này được kiến tạo và tại sao ý nghĩa của nó nhận được từ sự kiến tạo?”, Huxéc cho rằng, tất cả điều này đã được cho trước. Với lý luận về “thế giới đời sống”, hiện tượng học của Huxéc đã tìm ra một giải pháp có thể tránh khỏi nguy cơ rơi vào chủ nghĩa duy ngã. Mặc dù ông luôn cho rằng, không nên quan niệm kiến tạo là sự tạo dựng thực tại. Khi nói mọi hiện hữu đều được kiến tạo trong tính chủ thể, thì phải hiểu rằng, tất cả đều lấy ý nghĩa và giá trị hiện hữu trong tính chủ thể, chứ không có ý nói là tính chủ thể rèn đúc ra chúng(6). Đặt vấn đề như vậy để thấy Huxéc hoặc là bị bế tắc trong duy niệm đơn độc, hoặc sẽ tìm con đường tồn tại trong cộng đồng với nhân loại. Theo nhà triết học Pháp –Gi.F.Lyotard, Huxéc không dừng lại ở duy niệm đơn độc kiểu đơn tử của Leibniz. Cũng nên nhớ rằng, Huxéc luôn trung thành với những nguyên tắc của hiện tượng học là chỉ nhằm “mô tả” những gì ta “nhìn” thấy và do vậy, ông chủ trương “thế giới đời sống” không đạt tới bởi sự chứng minh, mà bởi sự mô tả hiện tượng “kẻ khác” trong sự tương hỗ với ý thức tiên nghiệm của tôi. Nhà xã hội học và triết học Mỹ – G.Berger đã xem đây là nét độc đáo của phương pháp luận Huxéc.

Không thể phủ nhận rằng, Huxéc vào giai đoạn cuối đời đã tự giới hạn ở việc phân tích sự phản tỉnh ý thức, ở Cogito của Đêcáctơ và ý nghĩa của học thuyết Cantơ. Điều này là duy nhất cần thiết để phân biệt thuyết tiên nghiệm của ông và thuyết tiên nghiệm của Cantơ, bởi đây được xem như một nét riêng của Huxéc, mặc dù nó được đánh giá là có phảng phất nét “duy tâm” ở một vài trình bày triết học của ông trong suốt “giai đoạn giữa”, khi ông gọi hiện tượng học là chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm. Nhưng, thuyết tiên nghiệm trong hiện tượng học Huxéc khác với thuyết tiên nghiệm của Cantơ, dù khái niệm của họ cơ bản giống nhau. Thuyết tiên nghiệm trong hiện tượng học Huxéc là “thế giới đời sống” như thể tương liên kiến tạo ý thức(7). Còn Cantơ giới hạn mình trong trong sự phân tích hình thức cấu trúc của ý thức, đặc biệt là đối với siêu nghiệm của cảm giác và phán đoán. Khi coi cái Tôi siêu nghiệm là một ý thức phán đoán, Cantơ đã chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa đặc điểm khách quan, tất yếu và phổ biến về hành vi phản tỉnh hoàn toàn của phán đoán. Trái lại, Huxéc, cũng như Đêcáctơ lại đặt ra một vấn đề thực tế. Nhưng vượt lên cả Đêcáctơ và Cantơ, Huxéc đã nhận thức được thời gian, tính chất lịch sử và tính liên chủ thể kiến tạo “thế giới đời sống”. “Cái Tôi” của Huxéc không phải là “res cogitans” của Đêcáctơ hay suy nghĩ kỳ quái của chủ nghĩa siêu nghiệm theo học thuyết Cantơ. Ở Huxéc, “cái Tôi” được lồng vào và gắn với thế giới của đời sống đông đảo con người, mà ông gọi là “thế giới đời sống – kinh nghiệm”. Cũng như Cantơ, Huxéc tìm kiếm cho tính chủ quan một cấu trúc siêu nghiệm với tư cách nền tảng của cái Tôi kinh nghiệm và vì sự tương quan của nó với “thế giới đời sống” mà ông làm như thế. Ông không bằng lòng với việc lập ra một lý thuyết suông về phán đoán phản tỉnh khoa học hoàn toàn. Về cơ bản, ông hoàn thành kết cấu dựa trên sự nghiên cứu lịch sử và tính liên chủ thể trong kiến tạo “thế giới đời sống” và những phương thức khác nhau của nó. https://www.facebook.com/lachuoixuatkhau

“Thế giới đời sống” gắn với quan niệm về tính liên chủ thể, nên điều đạt được quan trọng nhất của hiện tượng học Huxéc là nhờ quan niệm về thế giới và sự hợp lý (rationnalité) để liên kết tính chủ thể với tính liên chủ thể. Nếu tách rời ý nghĩa này, thế giới sẽ là một thứ tinh thần tuyệt đối, hoặc là thế giới theo chủ nghĩa duy thực (réalisme). Thế giới này không thuộc loại hữu thể thuần tuý, mà ý nghĩa của nó lộ ra trong giao tuyến kinh nghiệm của tôi, giữa giao tuyến kinh nghiệm của tôi và kẻ khác. “Thế giới đời sống” không phải là thế giới hiện hữu vĩnh cửu, bất biến mà trái lại, là thế giới đã hình thành và còn biến chuyển mãi, do vậy tri thức về nó cũng đã hình thành và còn đang tiến thêm. Huxéc gọi chủ thể hiện tượng học là “người quan sát vô tư”, vì nó “thôi đồng lõa với thiên nhiên”. Khi chủ thể hiện tượng học nhìn lại kinh nghiệm sống của mình, thì không thấy “một hiện hữu đã có sẵn”, mà chỉ thấy một thế giới hình thành do sự “kiến tạo”, sự “xây dựng” của mình.

Tóm lại, việc đưa ra khái niệm “thế giới đời sống” đã mở ra một con đường mới trong việc nghiên cứu một lĩnh vực khó khăn nhất – nhận thức, đặt cơ sở cho sự tiếp cận biện chứng khi nghiên cứu về thế giới. Huxéc đã vượt qua hiện tượng học tiên nghiệm, đưa hiện tượng học trở về bản chất của lịch sử, của đời sống và thực hiện bước chuyển quan trọng cho hiện tượng học từ chỗ nghiên cứu ý thức thuần tuý đến nghiên cứu “thế giới đời sống”.

Tuy nhiên, khi đưa ra quan niệm về “thế giới đời sống”, Huxéc cũng hàm chứng minh rằng, cội nguồn của tình huống khoa học và triết học không thể tránh khỏi việc tái định hướng hiện tượng học tiên nghiệm của triết học(8). Ông cho rằng, trước khi triết học và khoa học ra đời đã từng có “thế giới đời sống” tiền triết học, tiền khoa học và con người đã nhìn, đã quan niệm về thế giới ấy; sau khi có triết học và khoa học, “thế giới đời sống” cũng hiện hữu với con người, chỉ có khác ở phương thức miêu tả mới về nó và việc đề cao năng lực của con người. Với quan niệm này, Huxéc đã đưa thế giới của những quan niệm trừu tượng trở về “thế giới đời sống” để chỉ ra rằng, quan niệm của khoa học và triết học là sản phẩm của hoạt động thực tiễn trong “thế giới đời sống”; sau đó đưa “thế giới đời sống” trở về thế giới tự ngã thuần tuý và ý thức thuần tuý với tư cách cái tồn tại vượt qua “thế giới đời sống” và bản thân chúng không phải là thế giới, còn thế giới (bao gồm thời gian, không gian, tự ngã, vật thể…) là do tự ngã thuần tuý kiến tạo(9) thông qua sự phản tỉnh ý thức của nó. Cũng phải thừa nhận rằng, ít nhất là trong các tác phẩm đã được xuất bản, Huxéc dường như hoàn toàn không nhận ra sự cần thiết phải phân biệt nhiều hơn sự phản tỉnh hiển nhiên tách khỏi tiền phản tỉnh ý thức. Do thiếu sự phân biệt này, Huxéc đã bị Thévenaz chỉ trích là có chủ đích kéo theo “sự thụt lùi vô tận”, vì đã không vươn tới được một ý thức tuyệt đối, thực sự.

Hiện tượng học Huxéc không dừng lại ở sự giản lược và sự “kiến tạo”. Bản thân nó vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục triển khai và làm cho tường minh, đó là vấn đề “kẻ khác” (tha nhân), lịch sử và văn hoá. Nếu dừng lại ở viễn tượng giản lược thì hiện tượng học khó tránh khỏi hiểm họa sa lầy trong lập trường chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm. Trong lịch sử tư tưởng, hầu như chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm nào rồi cuối cùng cũng chỉ còn sót lại có ngã tiên nghiệm với những đối tượng tư duy của nó do chính nó kiến tạo nên và tất yếu, sẽ đi tới ngã luận thuần tuý và chủ quan, do vậy, đương nhiên, hiện tượng học đã đi vào con đường duy niệm và duy niệm đơn độc. Nếu ý thức là tính ý hướng ban bố ý nghĩa cho sự vật, thì mỗi “chủ tri” chỉ cần hiện hữu một mình và muốn nghĩ gì về thế giới bên ngoài cũng được, còn thế giới bên ngoài chỉ là ý niệm về sự nhất trí của tất cả mọi sự vật hợp lại, mặc dù những thể tính như những đối tượng lý tưởng “đã được cấu thành” theo tính ý hướng(10). Do vậy, chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm không tránh khỏi đi tới chủ nghĩa duy ngã. Chỉ tôi tồn tại với thế giới, thế giới này chỉ là tư duy về sự đồng nhất của mọi khách thể, sự vật chỉ là sự đồng nhất của tri giác của tôi về sự vật. Tránh rơi vào hố thẳm của chủ nghĩa duy ngã – đó là điều khó khăn nhất của hiện tượng học, khó đến mức Huxéc phải thốt lên là “một ẩn ngữ thực là đau đớn”(11). https://www.facebook.com/lachuoixuatkhau

Hiểm họa là thế, nhưng trên thực tế, Huxéc đã không dừng lại ở duy tâm tiên nghiệm đơn độc. Trước hết, bởi một khi ý thức về tính ý hướng đã “ban bố” cho sự vật những ý nghĩa, thì những ý nghĩa ấy phải có tính khách quan và được sự chấp thuận của đại đa số chủ thể, hơn nữa, ý thức về tính ý hướng cũng không thể “kiến tạo” sự vật có ý nghĩa khi mà kẻ khác lại xuất hiện ý thức ý hướng với một kinh nghiệm khác biệt đối với mọi thể tính sự vật, nghĩa là “kẻ khác” không đem đến trong một kinh nghiệm bản thể nguyên thủy(12). Sự “kiến tạo” kết dệt ý thức về tính ý hướng với những đối tượng của nó đã làm nảy sinh những ý nghĩa, điều này chỉ dễ dàng ở lĩnh vực thuần lý và tiên nghiệm, nghĩa là không hiện hữu ở thế giới tự nhiên. “Thế giới đời sống” là phương hướng triết học đưa Huxéc thoát khỏi tình trạng giam hãm của “đơn độc” chỉ có “cogito” và “cogitata” của nó.

Những cái tôi khác “không thể hiện sự cô đơn”, cũng không phải là đối tượng thể hiện cho tôi, và không có những đồng nhất một tiến trình mở rộng “trong tôi”, mà lại đúng với những kẻ khác(13). Và, sau khi “có thể đạt tới một cách gián tiếp” nền tảng về sự hiện hữu của kẻ khác, từ phương diện hiện tượng học, Huxéc tuyên bố “kẻ khác là sự thay đổi cái Tôi của tôi”(14). Trong trường hợp kẻ khác với tư cách chủ thể ý hướng, người ta không thể giản lược sự hiện hữu thực tại, không thể giản lược thành “một tương hỗ tính ý hướng” của ý thức người khác được. Vậy phải làm thế nào để chúng ta có được một ý nghĩa khách quan, tức trong một thế giới khách quan mà mọi người đều chấp nhận được với nhau, để những gì được kiến tạo ý nghĩa trong ý thức của tôi là những “bên ngoài” nhưng cũng là những “bên trong” của tôi. Muốn vậy, chỉ có thể đặt ra “một cộng đồng giữa nhiều ý thức về tính ý hướng”.

Huxéc gọi sự liên kết giữa các chủ thể ý hướng này là “tính liên chủ thể” (intersubjectivité), ở đó mỗi ý thức về tính ý hướng không hiện hữu như một ngã đơn độc, mà là hiện hữu với hay sống với kẻ khác trong một thế giới chung – thế giới của cộng đồng con người. Có người còn gọi đó là “cộng đồng nhân vị”, ví như “ý thức công cộng” theo E.Đuykhem hay “tinh thần khách quan” với nghĩa của Hêghen, và nó được kiến tạo đồng thời với sự tác động lẫn nhau của các chủ thể cũng như cộng đồng xung quanh chúng. Cộng đồng này được xây dựng từ thế giới riêng của nó(15). Thế giới này có căn nguyên kiến tạo ẩn trong thế giới tinh thần, trong văn hóa. Đi từ triết học siêu nghiệm, giản lược tới tính liên chủ thể hay cộng đồng nhân vị được coi là bước tiến song hành mà Huxéc đặt ra trong Những suy niệm Đêcáctơ và Những ý tưởng hiện tượng học thuần tuý và triết học hiện tượng học .   https://www.facebook.com/lachuoixuatkhau

Trong Những ý tưởng II, III Partie, Huxéc đã phân chia thế giới thành thế giới tinh thần và thế giới tự nhiên. Thế giới tinh thần được hình thành bởi các cá nhân sống, có liên hệ với nhau thành cộng đồng. Thế giới tự nhiên là thực tại khách quan, mang tính thực tại siêu việt (vượt). Nhờ “tính liên chủ thể”, tính khách quan của thế giới dựa trên hoạt động của các chủ thể và được kinh nghiệm của mỗi người công nhận. Trong “cộng đồng nhân vị” có một thế giới mà tôi và kẻ khác cùng trao đổi quan hệ, cùng kinh nghiệm.

Một diễn tiến khác của Huxéc về “tính liên chủ thể” là quan niệm xã hội học về văn hóa, được đặt ra ở Những ý tưởng hiện tượng học thuần túy và triết học hiện tượng học và thể hiện trội hơn, rộng hơn ở tác phẩm sau cùng (Krisis). Theo Huxéc, nó như là thuyết lịch sử tương đối, đi ngược lại triết học siêu nghiệm. Xã hội học về văn hóa là suy tư của Huxéc trong những năm cuối đời, thể hiện phong phú vấn đề tại Krisis mà hai phần đầu đã được công bố năm 1936 tại Bengrate. “Tính liên chủ thể” được Huxéc quan tâm đến như sự liên kết nghiêm ngặt tới vấn đề lịch sử và sự triệt để siêu nghiệm. Quan niệm này đụng đến nền tảng khủng hoảng, nơi có sự liên quan giữa khoa học và triết học. Triết học phải thông qua lịch sử, chính vì triết học tha thiết (bận lòng) tới sự lĩnh hội triệt để và bước qua sự ban tặng trực tiếp của lịch sử; nó là sự lắng đọng lịch sử và kiến tạo ý nghĩa “thế giới” cho văn hóa…

Suốt quãng đời sáng tác nhằm tìm kiếm cái căn bản cho tất cả tri thức của con người, Huxéc luôn tâm niệm xây dựng hiện tượng học như là khoa học nghiêm túc, chính xác, đặt cơ sở cho việc nhận thức mọi khoa học. Nhưng khi phát hiện ra “thế giới đời sống”, thì tâm niệm đó cùng hàng loạt vấn đề hiện tượng học đặt ra bị thách thức. Bởi thế giới đó không lấy chủ thể siêu nghiệm làm cơ sở, mà nó được cho trước. Trong “thế giới đời sống”, mọi chủ thể cắm rễ vào và không ngừng liên hệ với kẻ khác, cùng nhau xây dựng thành một thế giới của lịch sử và xã hội sinh động. Hiện tượng học siêu nghiệm với mong muốn đi đến cái tuyệt đối, triệt để đã không thể thỏa mãn trước phát hiện này. Tuy nhiên, chính khám phá này đã làm phong phú hơn hiện tượng học Huxéc, khi tìm ra phương cách giúp hiện tượng học siêu nghiệm tránh sa vào chủ nghĩa chủ quan. Từ khám phá này, Huxéc đã đặt một điểm quy chiếu cho nhiều khuynh hướng của triết học phương Tây hiện đại, khi kiến giải về khoa học, triết học và đời sống thực tiễn. https://www.facebook.com/lachuoixuatkhau